Các chấn thương xảy ra xuất phát từ nguyên nhân tai nạn giao thông rất phổ biến. Đặc biệt nếu các chấn thương nghiêm trọng, khiến cơ thể mất máu nhiều thì buộc phải điều trị kịp thời. Vậy có những mức độ chấn thương do tai nạn giao thông nào? Xử lý chúng ra sao? Bài viết này sẽ thông tin chính xác đến bạn.
1. Các dạng chấn thương do tai nạn giao thông
– Chấn thương do lực tác động mạnh: Đây là cơ chế chấn thương phổ biến nhất trong tai nạn giao thông. Nguồn lực có thể tác động chủ động khi phương tiện đang di chuyển và va vào người hoặc khi cơ thể đang chuyển động và va chạm vào phương tiện. Các tổn thương với cơ chế này thường là các vết bầm tím, phù nề, gãy xương,…
– Chấn thương do té ngã: Rơi xuống mặt đất do té ngã thường xảy ra khi phương tiện tăng tốc gặp va chạm và cơ thể bất ngờ ngã xuống. Chấn thương này do cơ thể va chạm với vật liệu thô ráp như đất, xe đang dừng hoặc chuyển động.
– Va đập: Va đập là cơ chế đơn giản rất dễ xảy ra trong các tình huống sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên nếu đang di chuyển trên đường bộ thì các tình huống va chạm như cơ thể đập vào vô lăng, kính xe sẽ rất nguy hiểm. Các chấn thương sợ não, tổn thương trên da, nội tạng như gãy xương, vỡ nội tạng,… có khả năng cao xảy ra và đe dọa đến tính mạng cơ thể.
– Đè nén: Chấn thương do tai nạn giao thông bởi cơ chế đè nén thường gây ra những biến chứng cực kỳ nặng nề. Chẳng hạn như một số bộ phận của phương tiện vận chuyển đè qua cơ thể thì khả năng sống sót thường không cao. Những chấn thương này sẽ rất nặng nề khi nội tạng bị tổn thương sâu.
Tóm lại các chấn thương xảy ra do tai nạn giao thông nhìn chung rất đáng ngại và không thể chủ quan. Đặc biệt các phương tiện càng hiện đại thì cơ chế chấn thương lại càng nặng nề. Các bước chẩn đoán, sơ cứu ban đầu thực sự rất quan trọng, nó quyết định lớn đến khả năng sống sót, hồi phục của bệnh nhân.
2. Xử lý thế nào đối với các chấn thương do tai nạn giao thông
– Kiểm tra đường thở: Nạn nhân cần phải được can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Cần kiểm tra đường thở của nạn nhân, nếu vẫn còn thở thì phải ngửa đầu ra sau và đẩy hàm dưới nâng cằm lên để giữ cho đường thở được thẳng trục, giúp đường thở thông thoáng hơn. Tuy nhiên nếu nạn nhân thở ngáp, ngừng thở, cơ thể bắt đầu tím tái buộc phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
– Cầm máu: Nạn nhân có tổn thương ở vùng nào, chảy máu nhiều thì cần đặt ngay miếng gạc lớn hoặc lấy áo quần sạch đặt lên vết thương và băng kín. Tuyệt đối không tùy tiện bỏ dị vật đang cắm vào cơ thể nạn nhân, bởi máu có khả năng chảy ồ ạt hơn khi rút dị vật không đúng cách.
– Kiểm tra tuần hoàn: Khi bị chấn thương do tai nạn giao thông, nạn nhân dễ gặp rối loạn tuần hoàn nên cần phải bắt mạch ngoại vi ở cổ tay, vùng cổ hay bẹn để xem tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nếu không bắt được mạch thì rất có khả năng nạn nhân có thể sắp ngừng tim. Lúc này bạn cần ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt để có thể tiến hành hồi sức tim phổi kịp thời.
Ngoài ra trong quá trình sơ cứu, bạn cũng cần đánh giá sự tỉnh táo của nạn nhân, xem họ có giao tiếp bình thường không, một khi nạn nhân đã hôn mê thì buộc phải chuyển nhanh đến cơ sở y tế.
3. Chăm sóc sau chấn thương
– Chăm sóc hô hấp: Tình trạng thiếu oxy sau chấn thương rất phổ biến, đặc biệt là với chấn thương đầu. Với các bệnh nhân chấn thương lồng ngực, từng bị tắc nghẽn đường thở thường phải can thiệp sử dụng máy thở hoặc đặt nội khí quản. Lúc này bệnh nhân cần được theo dõi sát sao các phản ứng bất thường và thông báo ngay với bác sĩ nếu cần.
– Theo dõi huyết áp và nhiệt độ cơ thể: Chấn thương do tai nạn giao thông ở mức độ khá nặng sẽ khiến bệnh nhân dễ bị rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải. Lúc này cần theo dõi huyết áp và đo nhiệt độ cơ thể thường xuyên để đảm bảo sức khoẻ bệnh nhân luôn ổn.
– Hỗ trợ dinh dưỡng: Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất trong phục hồi sức khoẻ bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu, người bệnh cần được bổ sung các thực phẩm lành tính, mềm, dạng lỏng và rất dễ ăn. Sau khi cơ thể dần phục hồi, thì nên cân bằng các nhóm chất trong thực đơn của người bệnh, đảm bảo cung cấp đủ đạm, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.