Bó bột là phương pháp kết xương trong gãy xương toàn và hiệu quả. Để người bệnh nhanh chóng hồi phục việc chăm sóc bệnh nhân sau bó bột gãy xương cần lưu ý những vấn đề sau:
Bó bột là phương pháp giúp bất động xương gãy và ̀giữ cho xương ở tư thế giải phẫu, thúc đẩy quá trình liền xương (nếu gãy xương); bảo vệ và giúp phần mềm chóng hồi phục (nếu tổn thương phần mềm). Ngoài ra bó bột còn giúp bệnh nhân giảm đau, giảm sưng nề và giảm co cơ sau chấn thương. Trong một số trường hợp, bó bột nhằm bất động tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.
Lưu ý sau bó bột
Trong thời gian 24-72 giờ đầu sau bó bột, do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, người bệnh cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột cần có biện pháp đối phó kịp thời tránh gây hiện tượng chèn ép bột. Do vậy, để giảm triệu chứng sưng nề trong 24-72 giờ đầu cần thực hiện những lưu ý sau:
- Kê cao chi trong 24-72 giờ đầu để máu trở về tim được dễ dàng. Chi bó bột kê cao hơn mức tim.
- Tập vận động lên cơ, gồng cơ trong bột, tập vận động đầu chi phần không bó bột.
- Chườm đá: Cho đá vào túi nilon hoặc túi chườm lạnh đặt lên trên bột tại vị trí tổn thương.
Khi tình trạng sưng nề tăng làm tăng áp lực trong bột, sẽ gây nên tình trạng chèn ép bột. Nếu người bệnh thấy các biểu hiện sau đây thì đến bệnh viện khám ngay: đau tăng và cảm giác bột bó chặt lấy chi; tê bì hoặc căng tức ở bàn ngón tay hoặc bàn ngón chân (đầu chi); đau rát bỏng hoặc như kim châm; đầu chi sưng nhiều; mất vận động chủ động đầu chi.
Chăm sóc bột bó
Trong những ngày đầu cần chú ý:
- Giữ cho bột khô ráo. Nếu để bột ẩm hoặc thấm nước, nước có thể thấm vào lớp vải hoặc giấy lót trên da, gây kích ứng da.
- Đi lại trên bột: Trong trường hợp được phép đi lại trên bột, bệnh nhân bị gãy xương không đi ngay sau khi bó bột mà phải chờ ít nhất 1 giờ đối với bột thủy tinh và 2-3 ngày đối với bột thạch cao. Nếu đi lại sớm (khi bột chưa cứng chắc) sẽ làm hỏng bột.
- Giữ cho bột sạch sẽ. Lau sạch da đầu chi phần không bột.
- Ngứa: Không được dùng các vật dụng như que để luồn dưới bột gãi ngứa, nếu làm vậy dễ gây tổn thương da, dẫn đến viêm nhiễm da.
- Bệnh nhân không được tự ý cắt ngắn bột hoặc cắt xén mép bột khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Để ý màu sắc da. Quan sát màu sắc da quanh mép bột, nếu thấy da tấy đỏ hoặc trầy xước thì tái khám.
Để ý tình trạng bột. Nếu thấy bột gãy, vỡ hoặc lỏng cần tái khám.