Người lớn nên phơi nắng 10-15 phút trong khoảng 9-10h sáng hoặc 15-16h khi tay chân không che chắn và không dùng kem chống nắng.
Theo định luật Shadow trong hấp thụ vitamin D của giáo sư Edward Gorham, Đại học California, Mỹ, khi độ dài của bóng cơ thể ngắn hơn chiều cao là thời điểm thích hợp nên phơi nắng. Tia UVB là loại tia duy nhất có tác dụng kích thích tiền chất vitamin D3. Trước 9h sáng và sau 4h chiều, tia UVB bị hấp thu gần như hoàn toàn bởi tầng ozone, chỉ có chủ yếu tia UVA nên vitamin D sẽ không được tổng hợp nếu phơi nắng. Do đó, thời gian phơi nắng phù hợp nhất ở Việt Nam trong khoảng 9 đến 10h sáng hoặc từ 3 đến 4h chiều.
Bác sĩ Trần Nhựt Minh, Phòng khám Đa khoa BIC NANO CELL cho biết khi cơ thể hấp thụ một lượng tia tử ngoại vừa đủ sẽ chuyển hóa một số chất trong mỡ dưới da thành vitamin D, phòng ngừa được bệnh loãng xương.
Tuy nhiên không phải phơi nắng càng nhiều càng tốt. Tia tử ngoại trong ánh nắng có bước sóng từ 340 mm trở lên làm cho da nhanh đen, lão hóa sớm, khô, nhăn, thậm chí ung thư da. Người đi nắng nhiều nhưng không đeo kính chống tia tử ngoại có thể bị bệnh đục thủy tinh thể.
“Mọi người nên ra nắng hàng ngày trong khoảng 10 đến 15 phút với cẳng tay, bàn tay hoặc chân không che chắn và không dùng kem chống nắng. Mùa đông đi bộ ngoài trời 30 phút đã có thể bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể”, bác sĩ Minh nói.
Bác sĩ Nguyễn Như Ngọc, Phòng khám Đa khoa BIC NANO CELL cũng cho biết trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh nên tắm không quá 20 phút một lần.
Mùa hè, trời nắng sớm, phụ huynh nên tranh thủ cho bé tắm nắng sớm để tránh tác hại của tia cực tím lên làn da non nớt của trẻ. Thời gian lý tưởng khoảng 6-7h sáng. Vào những ngày nắng nóng quá oi bức, cha mẹ hạn chế cho bé tắm nắng nhằm giảm thiểu nguy cơ mất nước khi bé bị đổ mồ hôi nhiều.
Trời mùa đông thường nhiều mây, thời tiết lạnh, mặt trời lên muộn, ánh nắng yếu. Do đó nên đợi đến khi trời ấm hơn mới cho bé tắm nắng. Vào những ngày thời tiết quá lạnh, hay khi trời nhiều gió, cha mẹ không nên cho bé tắm nắng để đảm bảo sức khỏe. Nên chọn nơi tắm nắng yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mắt bé.