Thống kê cho thấy, khoảng 30% dân số Việt Nam đang gặp phải tình trạng đau lưng, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hoặc đơn thuần là thoái hóa tự nhiên… Đáng lưu ý, thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến nhất là từ 30-60 tuổi.
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu gây chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.
Dựa vào vị trí đĩa đệm bị chệch, bệnh được chia thành:
- Thoát vị đĩa đệm cổ
- Thoát vị đĩa đệm cổ ngực
- Thoát vị đĩa đệm ngực
- Thoát vị đĩa đệm lưng ngực
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
2. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
- Chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông
- Tai nạn lao động do thường xuyên mang vác vật nặng trên cổ, lưng; tư thế khuân vác sai cách dẫn tới chệch đĩa đệm. Vì nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống để nhấc vặng nặng thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, điều đó dễ gây chấn thương cột sống lưng và ảnh hưởng đến đĩa đệm
- Sai tư thế trong khuân vác đồ vật là một trong những nguyên nhân của dẫn đến tình trạng này
- Thoái hóa cột sống: Khi các lớp nhân nhầy và vòng xơ (tương tự như sụn khớp) bị bào mòn, xương dưới sụn (các đốt sống) bị biến đổi cấu trúc, xuất hiện các hốc xương và thậm chí là mọc gai xương. Với tác động và sức ép của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm sẽ rách và lớp nhân bên trong thoát ra ngoài, gây chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến là yếu tố di truyền, hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống.
3. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường gặp
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bao gồm trọng lượng cơ thể (khi cân nặng cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống sẽ càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng) và tác động bởi nghề nghiệp (người lao động chân tay, thường xuyên khuân vác nặng, sai tư thế sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh).
Tùy vào vị trí thoát vị ở cột sống cổ hoặc thắt lưng mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau, trong đó đau lưng và tê bì tay chân là hai triệu chứng điển hình nhất.
4. Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, lâu ngày gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
Trường hợp khối đĩa đệm bị trượt và chèn lên dây thần kinh cánh tay, người bệnh không thể nhấc nổi cánh tay, khó gập duỗi, có thể tê bì hoặc mất cảm giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động lao động và sinh hoạt hàng ngày. Khi đĩa đệm chèn ép tủy cổ có thể gây tê liệt và tàn phế. Hoặc khi các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép sẽ dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.
Người bệnh gặp các triệu chứng đầu tiên là đau vùng cổ và vai gáy
5. Chẩn đoán và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Chẩn đoán
Đầu tiên, người bệnh được thăm khám lâm sàng để xác định nguyên nhân và vị trí tổn thương. Tùy theo tình trạng, người bệnh được chỉ định tham gia một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ, CT scan, X-quang cột sống… để đánh giá chính xác bệnh lý.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ, tặng cường sự dẻo dai cho xương khớp.
- Duy trì chỉ số cân nặng cơ thể ở mức hợp lý.
- Không mang, khuân vác đồ vật quá nặng để bảo vệ cột sống.
- Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung canxi, vitamin D cùng các chất dinh dưỡng giúp nuôi khớp khỏe mạnh.
- Không hút thuốc và sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như đau, tê vùng mông, đùi, chân, đi tiểu khó hoặc tay chân đột ngột yếu đi…
6. Phương pháp điều trị
Có hai phương pháp chữa bệnh chủ yếu điều trị là bảo tồn và phẫu thuật.
- Trường hợp đĩa đệm di lệch chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
- Trường hợp đã điều trị nội khoa tích cực mà bệnh lý không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc dùng trong cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm là thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống viêm non steroid hoặc corticosteroid, giãn cơ, chống đau thần kinh… Cần lưu ý rằng những loại thuốc này nếu lạm dụng có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn là chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể gây viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương… do đó người bệnh cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Vật lý trị liệu
Song song quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp cùng tập vật lý trị liệu để khắc phục các cơn đau, cũng như hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt dưới sự trợ giúp của các chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh không tự lý tập luyện để tránh việc tập luyện sai cách, khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn.
Phẫu thuật
Hiện nay các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gồm mổ hở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain… Tuy nhiên, hạn chế của những phương pháp này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, hoặc nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.
7. Chăm sóc người bệnh bị lệch đĩa đệm
Bên cạnh việc hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, người nhà cần lưu ý một số điểm trong chăm sóc người bệnh, gồm:
- Không để người bệnh nằm võng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cột sống và đĩa đệm bị tổn thương, làm tình trạng rách bao xơ đĩa đệm trở nặng. Thay vì đó, có thể sử dụng những loại ghế có tựa lưng giúp nâng đỡ cột sống lưng người bệnh.
- Hỗ trợ người bệnh trong việc xoay người hoặc vặn mình, tránh ảnh hưởng đến đĩa đệm.
- Người bệnh cần đi lại nhẹ nhàng sau phẫu thuật để nhanh chóng hồi phục.
- Thường xuyên trò chuyện để giúp người bệnh thoải mái, giảm áp lực căng thẳng, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Việc tìm hiểu và trang bị kiến thức về thoát vị đĩa đệm sẽ giúp bệnh nhân và người thân có phương án xử trí đúng đắn. Khuyến cáo bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường để được các chuyên gia hàng đầu tư vấn phương án điều trị tốt nhất.